Đồ uống lao đao vì du lịch ngủ đông

Báo cáo về nguồn cung hàng hóa thiết yếu ứng phó với dịch COVID-19 gửi Sở Công thương TP.HCM, Hội Lương thực thực phẩm (LTTP) TP.HCM cho biết: Khi dịch bùng phát tại Đà Nẵng đặt cả nước vào tình trạng khởi động lại hệ thống phòng ngừa, chống dịch…

Đáng mừng là Chính phủ đã xác định và áp dụng nhiệm vụ kép vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch hiệu quả. TP.HCM ngoài việc cho dừng một số hoạt động không thiết yếu, tất cả các hoạt động khác đều diễn ra bình thường trên cơ sở đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch.

Ngành LTTP với tính chất đặc thù cung cấp các mặt hàng thiết yếu nên DN vẫn tập trung duy trì sản xuất bình thường, ổn định...Chủ động được nguồn cung và nguồn dự trữ thực phẩm, đảm bảo đầy đủ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu cho người dân.

Nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng mạnh, kéo theo doanh thu bán lẻ các mặt hàng LTTP tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, tác động chung của dịch, doanh thu từ xuất khẩu giảm rõ rệt so với cùng kỳ các năm trước.

Thị trường xuất khẩu sụt giảm từ 60-70% doanh thu. Riêng nhóm hàng đồ uống sụt giảm nghiêm trọng, khi mất khoảng 40% doanh thu từ các các kênh tiêu thụ như du lịch, khách sạn, nhà hàng, quán ăn, trường học...

Hiện tại Việt Nam cơ bản kiểm soát tốt dịch COVID-19, một số nước công bố sản xuất vắc xin hàng loạt, sẽ giúp khống chế được dịch bệnh. Các nước nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch, đẩy nhanh quá trình phục hồi sẽ là lợi thế quan trọng DN hy vọng vào bức tranh khả quan của kinh tế thế giới và Việt Nam nói riêng.

Dự báo tình hình xuất nhập khẩu những tháng cuối năm, Hội LTTP cho rằng có khả năng tăng trưởng khả quan. Đặc biệt, sắp tới đây hàng ngàn nông sản, thực phẩm, hàng hóa khác của Việt Nam xuất sang thị trường EU sẽ được giảm thuế về 0% theo quy định ưu đãi thuế quan của hiệp định EVFTA...

Hội Lương thực thực phẩm cũng cho hay, sức mua người dân bị tác động bởi COVID-19 ở thời điểm này chưa nhiều nhưng ở quý tiếp theo có thể nghiêm trọng do nỗi lo mất việc làm ngày càng lớn hơn. Với tâm lý đó, đa số người dân sẽ thắt chặt chi tiêu. Bình quân phần trăm chi tiêu bị cắt giảm liên tục tăng từ tháng 4, dự báo sức mua chung khó có thể tăng như kỳ vọng.

Bên cạnh đó, nhiều DN vẫn còn gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh; khó khăn tiếp cận các chính sách hỗ trợ, trong đó có các gói hỗ trợ về tín dụng. Áp lực tài chính rất lớn khi nợ vay ngân hàng tới hạn; doanh số giảm nhưng DN vẫn phải trả các chi phí cố định để duy trì hoạt động.


Hãy gọi cho chúng tôi